
Miếu Bơi, là công trình nổi bật nhất giữa làng Diêm Điền cũ. Đây là một trong những công trình văn hóa lớn trong vùng. Khi có việc hệ trọng, miếu Bơi là nơi họp dân bàn hương sự, bố cáo chỉ dụ của chính quyền cấp trên. Ngày lễ hội, Tết, đây là nơi tế lễ và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hậu cung miếu bơi thờ tứ vị thánh hậu – Phúc thần của làng. Trước hậu cung là nhà đại bái, trước đại bái đường là một ngôi nhà 5 gian đồ sộ: Cột lim, mái ngói, là nơi hội họp của hội đồng kỳ mục, tổng lý, xã quan, hương hào, đón tiếp quan khách. Sân miếu bơi có hàng trụ đá để cắm cờ hội. Một cột cờ đại cao 24m, lá cờ khổ rộng chừng 4 chiếc chiếu đôi. Chỉ ngày lễ, tết, cờ đại mới được kéo lên. Miếu Bơi, trong cách mạng tháng Tám (20/8/1945) là nơi dân làng tụ tập mừng quê hương giải phóng, chính quyền cách mạng lâm thời ra mắt. Ngày 06/01/1946, miếu Bơi là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I. Cũng từ đó, miếu Bơi trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, trụ sở của chính quyền cách mạng. Nhưng trong khoảng thời gian kháng chiến chống đế quốc Pháp(1945-1954), miếu Bơi đã bị tàn phá bởi chiến tranh. Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, nhân dân thị trấn Diêm Điền lại háo hức tổ chức lễ hội bơi Trải truyền thống cầu cho sóng yên, biển lặng, dân làng vươn khơi chinh phục biển cả bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm giàu cho quê hương.
Năm 2005, Đảng bộ và nhân dân thị trấn đã đầu tư, phục hồi với tên gọi mới là nhà Truyền thống để bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của miếu Bơi. Đồng thời, còn là nơi lưu giữ truyền thống cách mạng vẻ vang của nhân dân thị trấn Diêm Điền để giáo dục cho thệ hệ mai sau về lịch sử oai hùng của cha ông trên mảnh đất Diêm Điền.