
Đền Thuận Nghĩa thờ 2 quận công Triều Nguyễn là Phạm Tài và Nguyễn Cao. Hai vị đã có công xây dựng đồn trú ven biển Diêm Điền vào giữa thế kỷ XIX để bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Khi thực dân pháp xâm lược nước ta(1858), hai vị được triều đình nhà Nguyễn giao cho cùng quan đại thần Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển đốc chiến tại mặt trận Gia Định(Sài Gòn) và đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu. Triều Nguyễn đã truy phong phối thờ 2 vị tại miếu Trung Liệt ở kinh đô Huế và được liệt danh thơm hàng thứ 22+ 23 trong 1.500 vị. Dân làng Diêm Điền tưởng nhớ công lao của 2 vị tại quê nhà . Đền lấy tên Thuận Nghĩa, ý muốn nêu gương 2 vị đều làm được việc nghĩa hiệp và vì nghĩa lớn mà hy sinh. Theo lệ Xuân Thu nhị kỳ hàng năm, đền vào hội đầu Xuân từ ngày mùng 1 đến ngày 12 tháng Giêng, mùa Thu trung tuần tháng 7 âm lịch.
Đền Thuận Nghĩa được xây dựng ngay khi các vị tướng Phạm Tài và Nguyễn Cao hy sinh vào những năm 60 và 70 của thế kỷ XIX. Khi các ông hy sinh, triều đình Huế chỉ dụ cho nhân dân Diêm Điền phối thờ tại đền Thuận Nghĩa cửa sông Diêm Hộ, theo tài liệu trong văn bia có tên: “Thuận Ngĩa từ bi ký”, còn lưu lại đền thì đến ngày 22/4/1925 lý trưởng làng Diêm Điền là Phạm Hữu Biên đứng ra hưng công trùng tu lại đền. Từ năm 1990, dân làng tổ chức trùng tu lần thứ ba, chia làm nhiều đợt và đền có quy mô to như ngày nay. Diện tích:1103,2m2. Ngày 03 tháng 8 năm 1993, Đền được UBND tỉnh Thái Bình công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.